Kế toán hoạt động SXKD và kế toán thuế áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập

Kế toán hoạt động SXKD và kế toán thuế áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập

Theo quy định hiện hành, các đơn vị sự nghiệp công lập như các bệnh viện, trường học,... thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước thuộc đối tượng áp dụng Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 (sau đây gọi tắt là QĐ 19) và Thông tư số 185/2010/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 14/12/2010 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán HCSN ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC. 
          Tuy nhiên trên thực tế còn hiện tượng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cán bộ thuế chưa nắm rõ các qui định này, thậm chí đã yêu cầu đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động SXKD phải chuyển sang áp dụng chế độ kế toán DN. Nhằm giúp bộ phận kế toán đơn vị sự nghiệp công lập cũng như cán bộ thuế thuận tiện trong việc nắm bắt những nội dung cơ bản về việc sử dụng các tài khoản kế toán và phương pháp kế toán hoạt động SXKD và kế toán các loại thuế, bao gồm thuế GTGT, thuế TNDN và các loại thuế khác của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) nhằm tăng cường công tác quản lý thuế, xin được giới thiệu các nội dung cơ bản về các vấn đề trên như sau: 


I. Kế toán thu hoạt động SXKD 

1. Tài khoản sử dụng: 
Để kế toán các khoản thu từ hoạt động SXKD, kế toán sử dụng TK 531 "Thu hoạt động SXKD". TK 531 áp dụng cho các đơn vị SNCL có hoạt động SXKD dùng để phản ánh doanh thu của hoạt động SXKD.
Nguyên tắc kế toán thu hoạt động SXKD:
(1) Chỉ phản ánh vào TK 531 các khoản thu về bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ từ hoạt động SXKD. 
(2) Đối với các đơn vị tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế thì doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế GTGT phản ánh vào TK 531 là số tiền bán hàng, cung cấp dịch vụ chưa có thuế GTGT.
(3) Đối với các đơn vị tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp thì doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT phản ánh vào TK 531 là tổng số tiền bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế GTGT (Tổng giá thanh toán).
 (4) Cuối kỳ, kế toán xác định số chênh lệch thu, chi của hoạt động SXKD để kết chuyển sang TK 4212 "Chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD”
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 531 "Thu hoạt động SXKD":
Bên Nợ: 
- Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa đã bán trong kỳ;
- Kết chuyển chi phí bán hàng và chi phí quản lý liên quan đến hoạt động SXKD;
- Kết chuyển chi phí (giá thành) của khối lượng, công việc dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ;
- Số thuế GTGT phải nộp nhà nước (đối với trường hợp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp);
- Số thuế xuất khẩu, tiêu thụ đặc biệt phải nộp NSNN (Nếu có);
- Doanh thu hàng bán bị trả lại, bị giảm giá do hàng kém, mất phẩm chất;
- Chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán cho khách hàng; 
- Kết chuyển chênh lệch thu lớn hơn chi của hoạt động SXKD sang TK 4212 "Chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD".
Bên Có:
- Doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay, lãi các khoản đầu tư tài chính;
- Kết chuyển chênh lệch chi lớn hơn thu của hoạt động SXKD sang TK 4212 "Chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD".
Tài khoản này không có số dư cuối kỳ. 
2. Phương pháp kế toán thu hoạt động SXKD:
(1) Khi bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra bên ngoài:
- Trường hợp đơn vị nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, khi xuất bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi: 
Nợ TK 111 - Tiền mặt 
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc
Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (3111 - Phải thu của khách hàng)
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD (Giá bán chưa có thuế GTGT) 
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (Thuế GTGT đầu ra).
- Trường hợp đơn vị tính và nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp khi xuất bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, ghi:
Nợ các TK 111, 112  
Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (3111- Phải thu của khách hàng)
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD (Tổng giá thanh toán).
(2) Phản ánh giá vốn của hàng bán: Khi bán sản phẩm, hàng hóa cùng với việc ghi nhận doanh thu bán hàng, kế toán đồng thời phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD (Trị giá vốn hàng xuất bán)
Có TK 155 - Sản phẩm, hàng hóa (Nếu xuất kho bán hàng)
Có TK 631 - Chi hoạt động SXKD (Nếu sản phẩm sản xuất xong tiêu thụ ngay không qua kho).
(3) Trường hợp nhận tiền ứng trước của khách hàng, ghi: 
Nợ TK các TK 111, 112
Có TK 311 - Các khoản phải thu (3111 - Phải thu của khách hàng)
- Khi sản phẩm, hàng hóa xuất bán, dịch vụ đã cung cấp được xác định là đã bán, kế toán ghi nhận doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ:
+ Nếu đơn vị tính và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, ghi:
Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (3111 - Phải thu của khách hàng)
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD (Giá bán chưa thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (Thuế GTGT đầu ra).
 + Nếu đơn vị tính và nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, ghi:
Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (tổng giá thanh toán)
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD (tổng giá thanh toán).
- Khi nhận được số tiền còn thiếu do khách hàng trả, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 311 - Các khoản phải thu (3111 - Phải thu của khách hàng).
- Ngược lại nếu số tiền khách hàng trả trước còn thừa, đơn vị xuất quỹ tiền mặt hoặc chuyển khoản trả lại tiền thừa cho khách hàng, ghi: Nợ TK 311/ có các TK 111,112.  
 (4) Cuối kỳ, kết chuyển chi phí của khối lượng công việc, dịch vụ đã hoàn thành và được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD
Có TK 631 - Chi hoạt động SXKD.
(5) Cuối kỳ, kết chuyển chi phí bán hàng, chi phí quản lý liên quan đến hoạt động SXKD phát sinh trong kỳ, ghi: 
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD
Có TK 631 - Chi hoạt động SXKD.
(6) Khi xác định số thuế GTGT phải nộp ở đơn vị SNCL tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, ghi:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (3331).
(7) Khi thu lãi tiền gửi, lãi tín phiếu, trái phiếu của hoạt động SXKD, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... 
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD.
(8) Cuối kỳ, kết chuyển chênh lệch thu, chi của hoạt động SXKD:
- Trường hợp thu lớn hơn chi, ghi:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD
Có TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212 - Chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD).
- Trường hợp thu nhỏ hơn chi, ghi: Nợ TK 421 (4212)/ Có TK 531.

II. Kế toán chi hoạt động SXKD

1. Tài khoản sử dụng:
Để kế toán chi hoạt động SXKD, kế toán sử dụng TK 631 "Chi hoạt động SXKD" để phản ánh chi phí của hoạt động SXKD. 
Nguyên tắc kế toán chi hoạt động SXKD:
(1) Hạch toán TK 631 phải theo dõi chi tiết cho từng hoạt động SXKD và theo từng nội dung chi. 
(2) Nội dung các khoản chi SXKD bao gồm: 
- Chi tiền lương, tiền công, phụ cấp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp SXKD;
- Các khoản tính, trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Phần đơn vị sử dụng lao động đảm bảo) và kinh phí công đoàn theo quy định;
- Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho hoạt động SXKD;
- Chi phí dịch vụ mua ngoài như: Tiền điện, tiền nước, tiền thuê bao điện thoại, ...
- Tiền thuế môn bài;
- Chi phí công cụ, dụng cụ;
- Khấu hao TSCĐ và chi phí sửa chữa TSCĐ dùng cho hoạt động SXKD;
- Chi phí dịch vụ mua ngoài và các khoản chi phí trực tiếp khác bằng tiền;
- Chi phí bán hàng và chi phí quản lý liên quan đến hoạt động SXKD. 
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 631 "Chi hoạt động SXKD":
Bên Nợ:
- Các chi phí SXKD phát sinh;
- Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý liên quan đến hoạt động SXKD.
Bên Có:
- Kết chuyển giá trị sản phẩm hoàn thành nhập kho;
- Giá trị sản phẩm sản xuất xong bán ngay không qua nhập kho;
- Các khoản thu được ghi giảm chi (nếu có);
- Kết chuyển chi phí bán hàng, chi phí quản lý liên quan đến hoạt động SXKD;
- Kết chuyển chi phí của khối lượng công việc, dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ.
Số dư bên Nợ: Chi phí hoạt động SXKD còn dở dang.
2. Phương pháp kế toán chi hoạt động SXKD:
(1) Xuất nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ sử dụng cho hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD (Chi tiết theo từng loại hoạt động)
Có TK 152, 153.
Đồng thời, ghi Nợ TK 005- Dụng cụ lâu bền đang sử dụng. 
(2) Khi xuất công cụ, dụng cụ có giá trị lớn và sử dụng trong nhiều năm phải tính và phân bổ dần vào chi phí hoạt động SXKD: 
- Khi xuất công cụ, dụng cụ, ghi: 
Nợ TK 643- Chi phí trả trước 
Có TK 153- Công cụ, dụng cụ.
Đồng thời, ghi Nợ TK 005.
- Đồng thời, tiến hành phân bổ lần đầu, ghi: Nợ TK 631/ Có TK 643.
- Các năm sau tiếp tục phân bổ theo các bút toán như phân bổ lần đầu. 
(3) Tiền lương, tiền công phải trả cán bộ, viên chức và người lao động khác trực tiếp tham gia hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD 
Có TK 334 - Phải trả công chức, viên chức.
(4) Trích BHXH, BHYT, KPCĐ, BHTN tính trên tiền lương phải trả cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD 
Có TK 332 - Các khoản phải nộp theo lương.
(5) Các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài để phục vụ cho hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD 
Nợ TK 3113 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112...
(6) Khi mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ không nhập kho đưa ngay vào sử dụng, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD 
Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (3113-Thuế GTGT được khấu trừ) (nếu có)
Có các TK 111, 112 (Tổng giá thanh toán)
Có TK 331 - Các khoản phải trả (3311- Phải trả người cung cấp) (Tổng giá thanh toán).
(7) Khi trích khấu hao TSCĐ dùng cho SXKD: 
- Nếu TSCĐ hình thành từ nguồn vốn kinh doanh hoặc nguồn vốn vay dùng vào hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
- Nếu TSCĐ do Ngân sách cấp hoặc có nguồn gốc Ngân sách dùng cho hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD
Có TK 431 - Các quỹ (4314 - Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp) (Nếu được bổ sung quỹ), hoặc 
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (Nếu phải nộp NSNN).
 (8) Định kỳ phân bổ chi phí trả trước tính vào chi phí SXKD, ghi: 
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD
Có TK 643 - Chi phí trả trước.
(9) Định kỳ, tính lãi vay phải trả vào chi phí hoạt động SXKD, ghi: 
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD
Có TK 331 - Các khoản phải trả (3318 - phải trả khác).
(10) Xác định thuế môn bài đơn vị phải nộp cho Nhà nước, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD 
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước.
(11) Xác định số nguyên vật liệu sử dụng không hết nhập lại kho, ghi: Nợ TK 152/Có TK 631.
(12) Nhập kho số sản phẩm sản xuất hoàn thành, ghi: 
Nợ TK 155 - Sản phẩm, hàng hoá (1551 - Sản phẩm)
 Có TK 631 - Chi hoạt động SXKD.
(13) Khi sản phẩm sản xuất xong tiêu thụ ngay không qua nhập kho, ghi:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD
Có TK 631 - Chi hoạt động SXKD.
(14) Cuối kỳ, tính toán kết chuyển và phân bổ chi phí quản lý chung vào chi hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 631- Chi hoạt động SXKD
Có TK 642 - Chi phí quản lý chung.
(15) Cuối kỳ kết chuyển chi phí của khối lượng công việc, dịch vụ hoàn thành được xác định là tiêu thụ trong kỳ, ghi: Nợ TK 531/ Có TK 631.
(16) Cuối kỳ kết chuyển chi phí bán hàng, chi phí quản lý liên quan đến hoạt động SXKD, ghi: Nợ TK 531/ Có TK 631.

III. Kế toán chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD 

1. Tài khoản sử dụng. 
Kế toán các khoản chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD, kế toán sử dụng - TK 4212 - Chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD để phản ánh số chênh lệch thu, chi của hoạt động SXKD và việc xử lý số chênh lệch này.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 421 "Chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD":
Bên Nợ:
- Số chênh lệch chi lớn hơn thu của SXKD;
- Kết chuyển chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD còn lại sau thuế TNDN bổ sung nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, nguồn vốn kinh doanh hoặc trích lập các quỹ;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp NSNN.
Bên Có:
- Số chênh lệch thu lớn hơn chi của SXKD;
- Kết chuyển số chênh lệch chi lớn hơn thu khi có quyết định xử lý.
Tài khoản 421 có số dư bên Nợ hoặc số dư bên Có 
Số dư bên Nợ: Số chênh lệch chi lớn hơn thu chưa xử lý.
Số dư bên Có: Số chênh lệch thu lớn hơn chi chưa xử lý.
2. Phương pháp kế toán chênh lệch thu, chi chưa xử lý
(1) Cuối kỳ, kết chuyển số chênh lệch giữa thu với chi của hoạt động SXKD: 
- Nếu thu lớn hơn chi thì số chênh lệch thu lớn hơn chi, ghi:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD
Có TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212 - Chênh lệch thu, chi hoạt động SXKD).
- Nếu chi lớn hơn thu thì số chênh lệch chi lớn hơn thu, ghi: Nợ TK 421/ Có TK 531.
(2) Số thuế TNDN đơn vị phải nộp theo quy định của hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212)
Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3334 - Thuế TNDN).
(3) Chênh lệch thu lớn hơn chi của hoạt động SXKD còn lại sau thuế TNDN, ghi: 
- Trường hợp bổ sung nguồn kinh phí hoạt động hoặc nguồn vốn kinh doanh, ghi:
Nợ TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212) 
Có TK 461 - Nguồn kinh phí hoạt động (46121 - Nguồn kinh phí thường xuyên)
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
- Trường hợp trích lập các quỹ từ kết quả hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212) 
Có TK 431 - Các quĩ. 
(4) Số phải nộp cấp trên từ kết quả hoạt động SXKD (nếu có), kế toán đơn vị cấp dưới, ghi: 
Nợ TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212)
Có TK 342 - Thanh toán nội bộ.

IV. Kế toán Thuế GTGT được khấu trừ 

1. Tài khoản sử dụng:
Để kế toán thuế GTGT được khấu trừ, kế toán sử dụng TK 3113 - Thuế GTGT được khấu trừ. TK 3113 sử dụng ở các đơn vị có hoạt động SXKD thực hiện việc tính và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế để phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã được khấu trừ, còn được khấu trừ và số thuế GTGT đã được hoàn hoặc cuối kỳ chưa được hoàn.
Tài khoản 3113 - Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 31131 - Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hoá, dịch vụ; 
+ Tài khoản 31132 - Thuế GTGT được khấu trừ của TSCĐ.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 311:
Bên Nợ: Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh; 
Bên Có:
- Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;
- Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;
- Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn thuế;
- Số thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại người bán, hoặc giảm giá hoặc được chiết khấu thương mại.
Số dư bên Nợ: Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ và số thuế GTGT được hoàn lại nhưng ngân sách chưa hoàn trả.
2. Phương pháp kế toán thuế GTGT được khấu trừ 
(2.1) Hạch toán Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của đơn vị có hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ. Khi mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, dịch vụ và TSCĐ:
- Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi: 
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (Giá chưa thuế)
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ (Giá chưa có thuế)
Nợ TK 155 - Sản phẩm, hàng hóa (Giá chưa có thuế)
Nợ TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (Giá mua chưa có thuế)
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD (Giá chưa thuế)
Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (3113 - Thuế GTGT được khấu trừ) (Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)
Có các TK 111, 112, 331,.. (Tổng giá thanh toán giá có cả thuế GTGT).
(2.2) Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ dùng vào hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế thì thuế GTGT hàng nhập khẩu sẽ được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 311 - Các khoản phải thu (3113 - Thuế GTGT được khấu trừ)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu) 
 (2.4) Trường hợp hàng mua vào và đã trả lại bên bán hoặc hàng đã mua được giảm giá do kém phẩm chất thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, kế toán phản ánh giá trị hàng mua vào và đã trả lại người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 331 (Tổng giá thanh toán)
Có TK 311 - Các khoản phải thu (3113) (Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)
Có các TK 152, 153, 155,...
(2.5) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ với số thuế GTGT đầu ra phải nộp, ghi:
Nợ TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3331 - Thuế GTGT phải nộp) 
Có TK 311 - Các khoản phải thu (3113 - Thuế GTGT được khấu trừ).
 (2.6) Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ vào tính chi hoạt động SXKD, chi hoạt động, chi dự án, chi theo đơn đặt hàng của Nhà nước (nếu có), ghi: 
Nợ các TK 631, 661, 662, 635,...
Có TK 311 - Các khoản phải thu (3113 - Thuế GTGT được khấu trừ).
(2.7) Khi nhận được tiền hoàn thuế GTGT của ngân sách (Nếu có), ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc
Có TK 311 - Các khoản phải thu (3113 - Thuế GTGT được khấu trừ).

V. Kế toán các khoản phải nộp Nhà nước:

1. Tài khoản sử dụng:
Kế toán các khoản phải nộp Nhà nước sử dụng TK 333 "Các khoản phải nộp Nhà nước"để phản ánh các khoản thuế phải nộp cho Nhà nước, các khoản phí, lệ phí đơn vị đã thu và các khoản khác phải nộp cho Nhà nước.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 333:
Bên Nợ: Các khoản thuế và các khoản khác đã nộp cho Nhà nước.
Bên Có: Các khoản thuế và các khoản khác phải nộp cho Nhà nước:
Số dư bên Có: Các khoản còn phải nộp Nhà nước. 
TK 333 có thể có số dư bên Nợ (trường hợp cá biệt): Phản ánh số thuế và các khoản đã nộp lớn hơn số thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước.
Tài khoản 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước, có 5 TK cấp 2: 
- Tài khoản 3331 - Thuế GTGT phải nộp: TK này có 2 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 33311 - Thuế GTGT đầu ra 
+ Tài khoản 33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu 
- Tài khoản 3332 - Phí, lệ phí
- Tài khoản 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Tài khoản 3335- Thuế thu nhập cá nhân 
- Tài khoản 3337 - Thuế khác 
- Tài khoản 3338 - Các khoản phải nộp khác 
2. Phương pháp kế toán các khoản phải nộp nhà nước:
(1) Kế toán thuế GTGT phải nộp NSNN 
(1.1) Kế toán thuế GTGT ở các đơn vị SNCL nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ 
a) Khi bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, kế toán lập Hoá đơn GTGT và phải ghi rõ giá bán chưa có thuế GTGT, thuế GTGT phải nộp và Tổng giá thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 311, ... (Tổng giá thanh toán)
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (3331 - Thuế GTGT phải nộp) 
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD.
b) Khi phát sinh các khoản thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, ghi: 
Nợ các TK 111, 112, 311,... (Tổng giá thanh toán) 
Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3331 - Thuế GTGT phải nộp) 
Có TK 511 - Các khoản thu (5118 - Thu khác). 
c) Đối với trường hợp cho thuê TSCĐ theo phương thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê, ghi:
- Nếu trả tiền thuê từng kỳ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3331 - Thuế GTGT phải nộp) (Thuế GTGT)
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD (số tiền cho thuê TSCĐ phải thu từng kỳ chưa có thuế GTGT).
- Nếu trả trước tiền thuê cho nhiều kỳ, khi nhận tiền, ghi: 
Nợ các TK 111, 112,... 
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (Thuế GTGT đầu ra tính trên tổng số tiền nhận trước) 
Có TK 331 - Các khoản phải trả (3318 - Phải trả khác) (Tổng số tiền nhận trước). 
Định kỳ tính và ghi nhận doanh thu cho thuê theo số tiền cho thuê TSCĐ phải thu từng kỳ, ghi: Nợ TK 331/ Có TK 531.
d) Khi nhập khẩu vật tư, thiết bị, hàng hóa, TSCĐ, kế toán phản ánh số thuế nhập khẩu phải nộp, tổng số tiền phải thanh toán và giá trị vật tư, thiết bị, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu (Chưa có thuế GTGT), ghi: 
Nợ các TK 152, 153, 155, 211,... 
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (3337- Thuế khác) (Chi tiết thuế nhập khẩu)
Có các TK 111, 112, 331,...
Đồng thời phản ánh số thuế GTGT phải nộp của hàng nhập khẩu:
- Trường hợp nhập khẩu vật tư, công cụ, hàng hoá, TSCĐ để dùng cho hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thì số thuế GTGT hàng nhập khẩu sẽ được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 3113 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
- Trường hợp nhập khẩu vật tư, công cụ, hàng hoá, TSCĐ dùng vào hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 155, 211,...
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312). 
e) Khi nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu vào NSNN, ghi:
Nợ TK 3331-Thuế GTGT phải nộp (33312) 
Có các TK 111, 112,...
i) Trường hợp hàng bán bị trả lại thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ: 
- Phản ánh số tiền thu của số hàng bán bị trả lại:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD (giá bán chưa có thuế GTGT) (Chi tiết hàng bán bị trả lại)
Nợ TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3331 - Thuế GTGT phải nộp) 
Có các TK 111, 112, 311,...
- Phản ánh giá vốn của hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi: Nợ TK 155/ Có TK 531.
k) Cuối kỳ, kế toán tính, xác định số thuế GTGT được khấu trừ với số thuế GTGT đầu ra, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ: 
- Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong kỳ, ghi: 
Nợ TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3331 - Thuế GTGT phải nộp) 
 Có TK 311 - Các khoản phải thu (3113-Thuế GTGT được khấu trừ).
- Khi nộp thuế GTGT vào NSNN, ghi: Nợ TK 333/ Có TK 112
l) Trường hợp đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoàn lại số thuế GTGT đầu vào, khi nhận được tiền NSNN trả lại, ghi: Nợ TK 112/ Có TK 311 (3113 - Thuế GTGT được khấu trừ).
(1.2) Kế toán thuế GTGT ở các đơn vị SNCL nộp thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp
a) Khi bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ, kế toán phản ánh các khoản thu bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ là tổng giá thanh toán (bao gồm cả thuế GTGT), ghi: 
Nợ các TK 111, 112, 311 (Tổng giá thanh toán)
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD.
b) Cuối kỳ, căn cứ vào số thuế GTGT phải nộp do cơ quan thuế xác định, ghi:
Nợ TK 531 - Thu hoạt động SXKD
Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3331). 
c) Khi nộp thuế GTGT vào NSNN, ghi: Nợ TK 333 (3331)/ Có TK 112.
 (1.3) Khi được giảm thuế GTGT 
- Nếu số thuế GTGT được giảm trừ vào số thuế GTGT phải nộp trong kỳ, ghi: 
Nợ TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3331 - Thuế GTGT phải nộp)
Có TK 531 - Thu hoạt động SXKD. 
- Nếu số thuế GTGT được giảm được NSNN trả lại bằng tiền, khi nhận được tiền, ghi: Nợ TK 112/ Có TK 531.
(2). Kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp
(2.1) Hàng quý, đơn vị tự xác định số thuế TNDN tạm phải nộp NSNN, ghi: 
Nợ TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212)
Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3334 - Thuế TNDN).
(2.2) Khi nộp thuế TNDN vào NSNN, ghi:
Nợ TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3334 - Thuế TNDN).
Có các TK 111, 112,... 
(2.3) Cuối năm, xác định số thuế TNDN phải nộp: 
- Trường hợp số thuế TNDN thực tế phải nộp lớn hơn số tạm nộp hàng quí trong năm thì số chênh lệch phải nộp thêm, ghi:
Nợ TK 421 - Chênh lệch thu, chi chưa xử lý (4212)
Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3334 - Thuế TNDN).
- Trường hợp số thuế TNDN tạm nộp trong năm lớn hơn số thuế TNDN thực tế phải nộp thì số chênh lệch, ghi: Nợ TK 333/ Có TK 421 (4212).
(2.4) Trường hợp đơn vị SNCL đăng ký nộp thuế TNDN theo phương pháp khoán, cuối kỳ, căn cứ vào số thuế TNDN phải nộp do cơ quan thuế xác định, ghi: Nợ TK 421(4212) / Có TK 3334.
(2.5) Nếu được giảm thuế TNDN, số thuế TNDN được giảm, ghi: Nợ TK 333/ Có TK 421). 
(3). Kế toán phí, lệ phí
(3.1) Khi thu được phí, lệ phí, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 511 - Các khoản thu (5111 - Thu phí, lệ phí)
(3.2) Xác định số tiền thu phí, lệ phí đơn vị phải nộp NSNN, ghi: Nợ TK 511/ Có TK 333.
(3.3) Khi nộp tiền thu phí, lệ phí vào NSNN, ghi: Nợ TK 333/ Có TK 112. 
(4). Kế toán thuế thu nhập cá nhân
(4.2) Phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu:
a) Hàng tháng, khi xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế của cán bộ, viên chức và người lao động khác, ghi: 
Nợ TK 334 - Phải trả công chức, viên chức
Có TK 333 - Các khoản phải nộp nhà nước (3335 - Thuế TNCN).
b) Khi đơn vị chi trả thu nhập cho các cá nhân bên ngoài phải xác định số thuế TNCN phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế theo từng lần phát sinh thu nhập, ghi:
Nợ các TK 241, 631, 635, 661, 662, 642 (Tổng số thanh toán)
Nợ TK 431 - Các quỹ (4311 - Quỹ khen thưởng) (Tổng số thanh toán)
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (3335) (Số thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ)
Có các TK 111, 112,... (Số tiền thực trả).
c) Khi nộp thuế thu nhập cá nhân vào NSNN, ghi: NợTK 333/ CóTK 112.
(5). Kế toán thuế và các khoản khác phải nộp NSNN:
(5.1) Các khoản đơn vị thu hộ Nhà nước (phải nộp 100%) về tiền phạt, tiền bồi thường:
+ Khi thu tiền, ghi:
Nợ các TK 111,112
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (3338).
+ Khi nộp NSNN, ghi: Nợ TK 333 (3338)/ Có các TK 111, 112.
(5.2) Thuế môn bài của đơn vị có hoạt động SXKD phải nộp NSNN, ghi:
Nợ TK 631 - Chi hoạt động SXKD
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (3337).
(5.3) Thuế nhập khẩu phải nộp NSNN khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ, ghi:
Nợ TK 152, 153, 155, 211...
Có TK 3337 - Thuế khác.
(5.4) Các khoản thu khác và chênh lệch thu lớn hơn chi do thanh lý, nhượng bán TSCĐ, vật tư, dụng cụ nếu phải nộp NSNN, ghi:
Nợ TK 511 - Các khoản phải thu (5118) 
Có TK 333 - Các khoản phải nộp Nhà nước (3338).
(5.5) Khi nộp thuế môn bài, thuế nhập khẩu và các khoản phải nộp khác cho NSNN, ghi: Nợ TK 333 ( 3337, 3338)/ Có các TK 111, 112.
Thời gian tới sau khi Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị SNCL được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường và khuyến khích các đơn vị SNCL tổ chức các hoạt động SXKD, khi đó Chế độ kế toán HCSN sẽ được bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tế./.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

luuhungsm@gmail.com

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
ke toan